Một sáng ngày mùa hè, nơi khu nghỉ dưỡng Phan Thiết hôm ấy tiết trời se lạnh cùng với những cảnh mưa rào. Có một người co ro vì lụy tình nơi căn phòng nghỉ dưỡng, buồn lặng ngắm mưa và thả hồn mình trong ca khúc.
Bài hát buồn dịu nhẹ, nâng bổng. Lâu lắm rồi tôi mới lại gặp Phương Thanh, lại nghe giọng ca da diết ấy ngay trong lúc này. Trước mắt tôi một cô gái mù với một ông lão, cô cất tiếng hát ở chốn đông người, cô hóa thân thành nhân vật thật xuất sắc có lẽ ít ai để ý nếu không coi clip nhạc ấy. Trên nét mặt cô gái mù, người hát rong ấy vẫn luôn mỉn cười, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mở đầu “Xin làm người hát rong” là những câu hát:
“Cũng đành xin làm người hát rong
Chỉ mong đời không chê trách
Chỉ mong chuyến xe muộn màng
Không dừng sớm khi đang rong chơi”
Đó là lời tâm tình rất chân thật, nỉ non như van nài cuộc đời, vừa như níu kéo sự xót thương tất cả như tiếng nấc nghẹn ngào trong tiếng hát Phương Thanh, cảm giác lạnh lẽo, cảm giác cô đơn trong tiết trời, tôi như bị xoáy vào tiếng hát cũng như đắm mình trong ngữ điêu, vẫn là lời khẩn cầu, cô gái mù đã biết yêu khi bất chợt có ai đó tỏ lòng xót thương cho phận mù lòa, cô yêu và nghẹn ngào đau khổ:
“Cũng đành xin làm người đến sau
Để nghe niềm đau phía trước
Tình như chiếc môi dịu ngọt
Treo hờ hững trên cây hoang đường”.
Cô biết phận mù lòa của mình, chỉ biết cất giọng hát cho đời, cảm nhận cuộc đời bằng đôi tai nhưng cô cũng dễ nhận ra tình yêu của mình là kẻ thứ ba, bởi sự đời là thế, chẳng mấy ai có được hạnh phúc, nhất là những người như cô, cô cảm nhận được yêu là sự đau khổ rồi “tình như chiếc môi dịu ngọt” mỏng manh treo không cố định mà Hững hờ đến kỳ lạ và đó là điều hoang đường nhất khi cô – một người mù lại đi yêu một người đã có người khác bên cạnh.
Bên ngoài mưa càng lúc càng dày đặc, tôi nghe Phương Thanh hát, xem nhân vật trong clip, tôi bất chợt nhận ra mình, đau khổ và buốt giá khi mình là người thứ ba, là người thứ 3 trong một trò chơi chỉ dành cho hai người, để rồi chấp nhận là người ra đi cũng chính là người thua cuộc, cô gái mù cũng vậy, cô đau khổ, và tìm quên ở nơi miền thuở ấu thơ của mình:
“Thôi đành đi về lại quê xưa
Thôi đành đi về dòng sông đó
Từ bao năm chân phiêu lãng quên quay về
Từ bao năm em như mãi ngủ mê
Như mây chiều như mây chiều để cơn gió đưa
Dù trăm năm ai quên lũy tre làng
Dù ngàn năm ai quên tiếng mẹ ru
Ơ ơ ơ ơ ơ tiếng ru hời ngày xưa”
Nơi có dòng sông, lũy tre làng, tiếng ầu ơ của mẹ, để “Cơn gió đưa” mảnh tình hoang đường, người ta vẫn thường nói quê hương là chùm khế ngọt là thế, lúc tột cùng của sự đau khổ người ta thường tìm đến nơi thân thuộc với mình nhất nơi cho mình cảm giác bình yên thật sự.
“Kiếp này xin làm người hát rong
Để cho tình yêu lên tiếng
Để cho trái tim bội bạc
Không còn đến trong đêm hoa đăng”
Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, đối với cô, được hát là sự giải cứu cho tâm hồn mình, nhất là những người đang yêu, cô hát, hát để quên đi trái tim bội bạc. Bài hát trở nên cao trào, giọng Phương Thanh đúng là đã giết chết những trái tim đang yêu như tôi, giọng hát như đang kể, như bày ra trước mắt tôi tất cả sự thương-yêu hờn giận mà nó có.
“Sẽ còn câu chuyện người hát rong
Còn nghe ngày sau kể tiếp
Tặng riêng những ai thật lòng
Đang còn hát yêu thương con người…
Bài hát kết thúc bằng sự chia sẻ, bằng sự cảm thông cho phận người, giọng Phương Thanh mới thống thiết và tình cảm tràn đầy, trào dâng đến khó tả. Bất giác tôi cảm nhận khóe mắt mình cay, phóng tầm nhìn ra màn mưa, tôi như chợt thấy em mỉm cười, mỉm cười cầu cho tôi hạnh phúc, cho người thứ ba trong trò chơi chỉ dành cho hai người. Dòng lẹ ứa khóe mi càng lúc càng hằn khi tôi nghe Phương Thanh hát và cảm nhận sự đơn độc của mình trong tình yêu. Và cứ như vậy nhé Phương Thanh hãy là người ca rong, hát rong cho những trái tim như tôi lúc này….
https://blogradio.vn/cam-xuc-am-nhac/xin-lam-nguoi-hat-rong-cxan-74/3564