Khái niệm biến cục bộ và biến toàn cục không còn xa lạ với những ai đã từng học lập trình. Tuy nhiên, trong Scratch, khái niệm này chắc hẳn vẫn còn rất mới mẻ. Ở bài viết này, EM YÊU TIN HỌC sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về chúng trong Scratch.
Nội dung chính
1. Biến cục bộ.
a. Khái niệm:
Một biến được gọi là cục bộ khi bạn khai báo nó cho một nhân vật cụ thể nào đó, lúc này biến đó sẽ không sử dụng được ở các nhân vật khác.
b. Phạm vi hoạt động:
Biến cục bộ chỉ có thể sử dụng ở trong nhân vật được tạo mà không thể sử dụng được ở các nhân vật khác. Chỉ khi ở trong nhân vật đã tạo ra biến cục bộ bạn mới có thể lấy giá trị cũng như thay đổi giá trị của biến đó.
c. Cách tạo:
- Đặt tên biến
- Nháy chọn For this sprite only
- Nháy chọn OK
*Chú ý: Có thể chỉ dùng 1 tên để tạo các biến cục bộ khác nhau cho các nhân vật khác nhau mà không lo bị trùng tên.
Trong hình trên, có 2 biến cục bộ cùng tên là “chọn”, hai biến này là khác nhau và chỉ có phạm vi hoạt động trong vùng màu tương ứng.
d. Ví dụ:
Hãy quan sát các biến và các nhân vật trong cùng 1 chương trình ở hình dưới đây:
Chương trình trong hình trên có 2 nhân vật: Cat, Dog và có 3 biến: ID, M, D. Trong đó M và D là hai biến cục bộ. M là biến cục bộ của Cat (khai báo cho nhân vật Cat), D là biến cục bộ của Dog (khai báo cho nhân vật Dog).
Nhìn vào hình trên, rõ ràng chúng ta thấy: Khi chọn Cat (hình 1), chúng ta chỉ nhìn thấy biến M mà không thấy biến D. Cũng giống như vậy, khi chọn Dog (hình 2), chúng ta chỉ nhìn thấy biến D mà không thấy biến M. Như vậy, biến M không thể sử dụng được trong nhân vật Dog và biến D không thể sử dụng được trong nhân vật Cat.
Chúng ta lại thấy: có 1 biến mà khi chọn nhân vật nào chúng ta cũng vẫn nhìn thấy biến đó – biến ID. Trong trường hợp này, ta gọi biến ID là biến toàn cục.
2. Biến toàn cục.
a. Khái niệm:
Biến toàn cục là biến khai báo cho tất cả các nhân vật và được sử dụng ở tất cả các nhân vật trong toàn bộ chương trình.
b. Phạm vi hoạt động:
Biến toàn cục được sử dụng ở tất cả các nhân vật trong toàn bộ chương trình. Bạn có thể lấy giá trị cũng như thay đổi giá trị của biến đó ở bất kỳ đâu trong chương trình.
Nhìn vào hình Phạm vi hoạt động của biến ở trên, bạn có thể thấy phần màu vàng của biến toàn cục (ID) bao trùm luôn biến cục bộ 1 và 2. Nếu ở trong khối màu xanh hay màu cam bạn vẫn có thể lấy được giá trị của biến toàn cục.
c. Cách tạo:
- Đặt tên biến
- Nháy chọn For all sprites
- Nháy chọn OK
3. Chương trình minh họa
Dưới đây là các hình ảnh của 1 chương trình đơn giản minh họa cho việc sử dụng biến cục bộ và biến toàn cục.